BÀI TUYÊN TRUYỀN PHÒNG CHỐNG SỐT XUẤT HUYẾT

Thứ ba - 12/07/2022 14:58
Bệnh sốt xuất huyết Dengue là loại bệnh mắc phải khi nhiễm virus Dengue do muỗi Aedes aegypti hay còn gọi là muỗi vằn truyền nhiễm cho. Căn bệnh này đã được ghi nhận từ thế kỷ XIII, đã xảy ra trên 100 nước với số ca nhiễm bệnh lên đến 50-1000 ca mỗi năm. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp sốt xuất huyết vào nhóm những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cần được quan tâm.
BÀI TUYÊN TRUYỀN PHÒNG CHỐNG SỐT XUẤT HUYẾT
1. Sốt xuất huyết là bệnh gì?
          Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ra bởi virus do 1 trong 4 chủng virus dengue gây ra, chủ yếu lây truyền sang người qua vết đốt của muỗi loài Aedes bị nhiễm bệnh.. 
  Để chủ động nhận biết và theo dõi sốt xuất huyết kịp thời, chúng ta có thể theo dõi dấu hiệu qua 2 thể sau:
Ở thể bệnh nhẹ: bệnh nhân có triệu chứng:
  • Sốt cao đột ngột 39 – 40 độ C, kéo dài 2 – 7 ngày, khó hạ sốt.
  • Đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu.
  • Có thể có nổi mẩn, phát ban.
Ở thể bệnh nặng: bao gồm các dấu hiệu trên kèm theo một hoặc nhiều dấu hiệu sau:
  • Dấu hiệu xuất huyết: Chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm tím chỗ tiêm, nôn/ói ra máu, đi cầu phân đen (do bị xuất huyết nội tạng).
  • Đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, người vật vã, hốt hoảng (hội chứng choáng do xuất huyết nội tạng gây mất máu, tụt huyết áp), nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
 2. Các giai đoạn tiến triển của bệnh sốt xuất huyết
          Giai đoạn 1: Các triệu chứng bệnh thường rất khó phân biệt với các loại sốt virus thông thường: người bệnh bị sốt cao 39 – 40 độ C một cách đột ngột trong 1 hoặc 2 ngày đầu. Cần phải đưa người bệnh đến các trung tâm y tế để làm xét nghiệm Dengue NS1 Ag ngay và nhanh chóng điều trị nếu nhận kết quả dương tính.
          Giai đoạn 2: từ ngày thứ 3 cho đến ngày thứ 7 kể từ khi bị sốt, giai đoạn rất nguy hiểm, các triệu chứng nặng của sốt xuất huyết bắt đầu được nhận thấy: xuất huyết dưới da ở mặt trước hai cẳng chân, mặt trong của cánh tay, bụng, đùi; chảy máu cam; chảy máu chân răng. Những biến chứng nặng hơn sẽ xuất hiện: bệnh nhân có thể bị chảy máu nội tạng, tràn dịch màng phổi hoặc màng bụng, xuất huyết tiêu hóa hoặc nghiêm trọng hơn là xuất huyết não. Ở giai đoạn này, người bệnh cần được theo dõi sát sao và xét nghiệm tiểu cầu thường.
          Giai đoạn 3: Giai đoạn hồi phục, người bệnh hết sốt và thể trạng bắt đầu tốt dần lên, có cảm giác thèm ăn, huyết động bắt đầu ổn định và người bệnh đi tiểu nhiều, các xét nghiệm tiểu cầu tăng dần lên và trở về trạng thái bình thường.
  3. Các dấu hiệu nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết
          - Chảy máu: Xuất hiện các chấm hay đốm màu đỏ trên da; chảy máu mũi, lợi; nôn ra máu; đi ngoài phân đen; kinh nguyệt ra nhiều bất thường/chảy máu âm đạo;
          - Nôn liên tục;
          - Đau bụng dữ dội;
          - Lơ mơ, rối loạn ý thức hoặc co giật;
          - Xanh tím, tay và chân lạnh ẩm;
          - Khó thở.
          Ngoài ra, nếu bệnh nhân có tình trạng sốt cao liên tục không kiểm soát được bằng các thuốc hạ sốt thông thường, cũng nên đến bệnh viện để được xử trí càng sớm càng tốt.
          Các trường hợp có tiểu cầu hạ thấp cũng cần vào viện để theo dõi, tránh nguy cơ chảy máu, xuất huyết não, xuất huyết nội tạng.
  4. Các biến chứng chết người của sốt xuất huyết
          Hạ tiểu cầu: biến chứng hạ tiểu cầu không khiến cơ thể mệt mỏi, li bì. Do đó, nhiều người khỏe mạnh chủ quan, không theo dõi cho đến khi bị xuất huyết ồ ạt.
          Cô đặc máu: biến chứng cô đặc máu có liên quan nhiều đến triệu chứng mệt, đau tức vùng gan, nôn, buồn nôn, lơ mơ, li bì, thường kéo dài 24-48 giờ.
          Sốt xuất huyết ở trẻ em nguy hiểm hơn người lớn. Tuổi càng nhỏ, đặc biệt trẻ nhũ nhi, khả năng bệnh nặng càng cao. Ngoài ra, một số trẻ có cơ địa đặc biệt như trẻ thừa cân béo phì, trẻ có bệnh nền như tim bẩm sinh, hen suyễn, bệnh mãn tính… thường có nguy cơ biến chứng nhiều hơn và tiên lượng nặng hơn. Tình trạng sốc của những trẻ này cũng diễn tiến nguy hiểm hơn  và có thể dẫn tới tử vong.
          Trong khi dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay, nhiều người bị sốt xuất huyết có thể sẽ chủ quan chỉ nghĩ đến COVID-19 mà bỏ qua việc thăm khám xét nghiệm dẫn đến tình trạng có thể điều trị sai hoặc muộn dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Đây là một trong những sai lầm thường gặp của người dân hiện nay trước nguy cơ “dịch kép”.
  5. Các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán sốt xuất huyết
          Xét nghiệm NS1: được chỉ định làm từ ngày thứ 1 đến ngày thứ 3 của bệnh để xác định chính xác kháng nguyên của virus.
          Xét nghiệm kháng thể IgM: được chỉ định từ ngày thứ 6 trở đi, nhằm xác định kháng thể của cơ thể người bệnh chống lại virus trong giai đoạn cấp tính.
          Xét nghiệm kháng thể IgG: để xác định kháng thể của cơ thể người bệnh bảo vệ lâu dài.
 6. Phòng bệnh sốt xuất huyết
          Sốt xuất huyết không lây trực tiếp từ người sang người như COVID-19 mà lây qua vector (vật trung gian). Do vậy, khi người dân chủ động tiêu diệt và giảm mật độ vector xuống thì khả năng lây lan sẽ ít hơn. Để phòng bệnh, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:
          - Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước có thể chứa loăng quăng, bọ gậy như: bể nước ăn, giếng nước, chum, vại, thùng phuy, bể nước nhà vệ sinh, thùng, xô, chậu, các dụng cụ khác như lon, chai, lọ,… để muỗi không vào đẻ trứng.
          - Thực hiện thường xuyên các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ như bát kê chân chạn, lọ hoa, khay nước của tủ lạnh hay điều hòa, máng thoát nước, máng gia súc/gia cầm, bể cây cảnh; lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối, dầu hoặc hóa chất diệt lăng quăng/bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, các ổ nước đọng.
          - Loại bỏ, lật úp các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, hũ, mảnh chai, chum vại vỡ, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá…
          - Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.
          - Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
          - Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà
          Hiện nay, sốt xuất huyết vẫn chưa có vắc xin phòng ngừa. Điều trị sốt xuất huyết chủ yếu là điều trị triệu chứng vì bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Tùy mức độ nặng nhẹ và mức độ tổn thương của các cơ quan khác nhau sẽ có hỗ trợ phù hợp. Vì vậy, các bậc phụ huynh nên chủ động nhận biết và phòng bệnh cho trẻ và gia đình ngay từ sớm. Vì sức khỏe của mỗi gia đình và cộng đồng, mọi người hãy quan tâm thực hiện tốt các biện pháp phòng chống bệnh sốt xuất huyết.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây