I.MỤC TIÊU CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG
Chương trình GDPT 2018 thể hiện mục tiêu giáo dục phổ thông, quy định các yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của học sinh, nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục và phương pháp đánh giá kết quả giáo dục, làm căn cứ quản lí chất lượng giáo dục phổ thông; đồng thời là cam kết của Nhà nước nhằm bảo đảm chất lượng của cả hệ thống và từng cơ sở giáo dục phổ thông.
Chương trình GDPT 2018 bao gồm chương trình tổng thể, các chương trình môn học và hoạt động giáo dục. Chương trình bảo đảm định hướng thống nhất và những nội dung giáo dục cốt lõi, bắt buộc đối với học sinh toàn quốc, đồng thời trao quyền chủ động và trách nhiệm cho địa phương, nhà trường trong việc lựa chọn, bổ sung một số nội dung giáo dục và triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp với đối tượng giáo dục và điều kiện của địa phương, của nhà trường, góp phần bảo đảm kết nối hoạt động của nhà trường với gia đình, chính quyền và xã hội;
Chương trình giáo dục tiểu học giúp học sinh hình thành và phát triển những yếu tố căn bản đặt nền móng cho sự phát triển hài hoà về thể chất và tinh thần, phẩm chất và năng lực; định hướng chính vào giáo dục về giá trị bản thân, gia đình, cộng đồng và những thói quen, nền nếp cần thiết trong học tập và sinh hoạt.
II. YÊU CẦU CẦN ĐẠT VỀ PHẨM CHẤT VÀ NĂNG LỰC
1. Chương trình giáo dục phổ thông hình thành và phát triển cho học sinh những phẩm chất chủ yếu sau: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm.
2. Chương trình giáo dục phổ thông hình thành và phát triển cho học sinh những năng lực cốt lõi sau:
a) Những năng lực chung được hình thành, phát triển thông qua tất cả các môn học và hoạt động giáo dục: năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo;
b) Những năng lực đặc thù được hình thành, phát triển chủ yếu thông qua một số môn học và hoạt động giáo dục nhất định: năng lực ngôn ngữ, năng lực tính toán, năng lực khoa học, năng lực công nghệ, năng lực tin học, năng lực thẩm mĩ, năng lực thể chất.
Bên cạnh việc hình thành, phát triển các năng lực cốt lõi, chương trình giáo dục phổ thông còn góp phần phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu của học sinh.
3. Những yêu cầu cần đạt cụ thể về phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi được quy định tại Mục IX Chương trình tổng thể và tại các chương trình môn học, hoạt động giáo dục.
III. NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG 2018 Ở TIỂU HỌC:
Chương trình 2018 bao gồm quy định chương trình tổng thể, quy định chương trình môn học và hoạt động giáo dục của Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học Phổ thông. Trong đó, đối với cấp Tiểu học có một số nội dung cốt lõi sau:
a) Môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc trong chương trình mới. ( gồm 10 môn học và 01 hoạt động)
- Gồm: 1) Tiếng Việt; 2) Toán; 3) Đạo đức; 4) Ngoại ngữ 1 (Lớp 3, 4, 5); 5) Tự nhiên và xã hội (Lớp 1, 2, 3); 6) Lịch sử và Địa lí (Lớp 4, 5); 7) Khoa học (Lớp 4, 5); 8) Tin học và Công nghệ (Lớp 3, 4, 5); 9) Giáo dục thể chất; 10) Nghệ thuật (Âm nhạc và Mĩ Thuật) và Hoạt động trải nghiệm (trong đó có tích hợp nội dung giáo dục của địa phương).
- Nội dung môn học Giáo dục thể chất được thiết kế thành các học phần (mô-đun); nội dung Hoạt động trải nghiệm được thiết kế thành các chủ đề; học sinh được lựa chọn học phần, chủ đề phù hợp với nguyện vọng của bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường.
b) Các môn học tự chọn (dạy ở những nơi có đủ điều kiện dạy học và phụ huynh học sinh có nguyện vọng) Tiếng dân tộc thiểu số (dạy từ lớp 1 đến lớp 5); Ngoại ngữ 1 (dạy ở lớp 1, 2).
c) Nhận xét chung
- So với Chương trình hiện hành, Chương trình 2018 có ít môn học hơn do thực hiện chủ trương tích hợp cao ở các lớp dưới. Tuy nhiên, trong Chương trình 2018 có thêm 2 môn học mới là Ngoại ngữ 1; Tin học và Công nghệ. Chương trình 2018 là chương trình học 2 buổi/ngày, do đó số tiết học trong một năm học đều tăng lên, cụ thể:
+) Lớp 1, 2 có: 07 môn học và 01 hoạt động bắt buộc, số tiết bình quân trên tuần là 25 (chưa tính môn tự chọn). (Chương trình hiện hành có 10 môn và 23 tiết trên tuần).
+) Lớp 3 có: 08 nôn học và 01 hoạt động bắt buộc, số tiết bình quân trên tuần là 28 tiết (Chương trình hiện hành có 10 môn và 24 tiết trên tuần)
+) Lớp 4, 5 có: 10 môn học và 01 hoạt động bắt buộc, số tiết bình quân trên tuần là 30 tiết. (Chương trình hiện hành có 11 môn, và 26 tiết trên tuần )
IV. LỘ TRÌNH THỜI GIAN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH GDPT 2018:
- Năm học 2020-2021: Thực hiện chương trình mới đối với lớp 1.
- Năm học 2021-2022: Thực hiện chương trình mới đối với lớp 2 và lớp 6.
- Năm học 2022-2023: Thực hiện chương trình mới đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10.
- Năm học 2023-2024: Thực hiện chương trình mới đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11
- Năm học 2024-2025: Thực hiện chương trình mới đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12. 3.
Về sách giáo khoa:
- Chương trình GDPT 2018 thực hiện theo hướng: 01 chương trình và nhiều bộ sách. Các bộ sách giáo khoa sử dụng là các bộ sách phải được Bộ GD&ĐT phê duyệt
- Nhà trường trực tiếp lựa chọn sách giáo khoa theo các tiêu chí được Bộ giáo dục, Sở giáo dục ban hành trên cơ sở phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương và nhà trường. Việc lựa chọn SGK thực hiện theo thông tư 01/2020/TT-BGD ĐT.
- Sau khi các địa phương hoàn thành việc lựa chọn SGK các NXB có SGK được các địa phương lựa chọn tiến hành phối hợp tập huấn sử dụng SGK cho tất cả các giáo viên được phân công giảng dạy.
- Việc in, phát hành sách SGK phải được tiến hành đảm bảo đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng in ấn, đặc biệt là kịp thời về tiến độ để các nhà trường, giáo viên và học sinh kịp thời trang bị cho năm học mới.
Trên đây là giới thiệu các nét cơ bản về chương trình giáo dục phổ thông 2018, lộ trình thực hiện của trường Tiểu học Kiến Hưng tới các thầy cô giáo, các bậc CMHS. Rất mong các thầy cô, các bậc PHHS nghiên cứu để có thêm thông tin về thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.