Tiểu học Kiến Hưnghttps://c1kienhung.pgdhadong.edu.vn/uploads/thkienhung/logo-moi-dang-web_3.jpg
Thứ năm - 11/04/2024 17:21
Sáng nay, thứ Năm 11/4/2024, nhằm đúng ngày 3 tháng 3 âm lịch, trường Tiểu học Kiến Hưng phối hợp với Ban phụ huynh của các lớp đã tổ chức cho học sinh thực hành làm bánh trôi - một trải nghiệm thú vị đối với một loại thức ăn được làm ra từ lúa gạo.
Tết Hàn thực mồng 3 tháng 3 âm lịch là lễ tiết được du nhập từ phương Bắc. Vào nước ta, trải qua cả ngàn năm, đã trở thành một trong những dịp để người Việt tưởng nhớ ông bà, tổ tiên bằng loại ẩm thực đậm đà bản sắc của nền văn minh lúa nước: bánh trôi, bánh chay. Sáng nay, thứ Năm 11/4/2024, nhằm đúng ngày 3 tháng 3 âm lịch, trường Tiểu học Kiến Hưng phối hợp với Ban phụ huynh của các lớp đã tổ chức cho học sinh thực hành làm bánh trôi - một trải nghiệm thú vị đối với một loại thức ăn được làm ra từ lúa gạo.
Bánh trôi được làm từ bột gạo nếp thơm. Bánh trôi nặn viên nhỏ, ngoài trắng, trong nhân đường đỏ, thả luộc trong nồi nước sôi, khi bánh nổi lên mặt nước vớt ra vừa chín tới, thật đúng như trong câu thơ của Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương đã miêu tả:
‘‘Thân em vừa trắng lại vừa tròn Bảy nổi ba chìm với nước non.’’
Để làm được những đĩa bánh trôi đẹp mắt và thơm ngon, không hề dễ dàng đâu các bạn nhé. Nguyên liệu làm bánh phải có gạo nếp ngon. Có thể trộn thêm gạo tẻ nhưng gạo nếp vẫn phải chiếm đa số. Có gạo làm vỏ bánh, cần có thêm đường làm nhân để tạo vị ngọt cho bánh. Nhân bánh truyền thống là bằng mật có vị thơm đậm đà. Chúng mình cùng làm bánh trôi nước nào.
Bước nặn bánh cũng cần đến sự khéo léo tỉ mỉ của các bạn nhỏ. Bánh trôi được nặn tròn, to vừa phải. Cho một viên đường vào trong, nặn bột bao kín để khi luộc, đường không chảy ra. Bánh và nhân đường phải theo một tỉ lệ hợp lí. Không nên để bánh hay nhân quá to hoặc quá nhỏ sẽ làm mất ngon khi ăn. Tinh tế nhất là luộc bánh. Đun sôi nước rồi mới thả bánh vào. Đợi đến lúc bánh nổi lên trên mặt nước, nhẹ nhàng vớt lấy rồi thả ngay vào nước sạch và lạnh. Nếu để nóng quá lâu bánh sẽ bị chảy, không dẻo và ngon. Thưởng thức bánh trôi cũng là cả một nghệ thuật. Bánh trôi được bày vào đĩa, rắc lên trên một lớp vừng mỏng được rang thơm. Bánh trôi cho vào miệng, ngậm lại rồi cắn sẽ cảm nhận được vị ngậy của gạo, vị ngọt của đường. Phải tự tay làm rồi thưởng thức mới cảm nhận hết cái ngon của bánh, các bạn học sinh vô cùng háo hức khi tự tay mình làm ra nhưng đĩa bánh trôi ngũ sắc chuẩn hương chuẩn vị để vừa thưởng thức vừa mang về biếu ông bà, cha mẹ.
Trước khi nặn bánh, tất cả các lớp đều được các cô giáo chủ nhiệm hướng dẫn chi tiết từ cách sử dụng từng loại nguyên liệu cho đến các bước thực hiện. Bạn nào cũng đều háo hức, mong chờ được tự tay mình làm ra những viên bánh trôi đẹp mắt, ngon miệng. Ở các lớp Một, mỗi lớp đều có hai phụ huynh đến trợ giúp và chung vui cùng các con. Các mẹ cùng cô giáo kiên nhẫn hướng dẫn các bạn nhỏ cách nặn bánh trôi. Với nhiều bạn, việc tận mắt nhìn thấy các nguyên liệu để làm bánh trôi cũng như tự tay nặn từng viên bánh là trải nghiệm vô cùng thích thú. Một số lớp, các bạn học sinh còn được hướng dẫn tạo ra những chiếc bánh ngũ sắc rất bắt mắt từ những cách tạo màu tự nhiên: màu đỏ của gấc, màu xanh của lá dứa, màu cam của gấc, màu tím của khoai môn, màu vàng của khoai lang, càng làm tăng thêm hứng thú cho học sinh.
Một ngày Tết Hàn thực mà lại rất “ấm áp”, vui tươi và vô cùng ý nghĩa đối với thầy và trò trường Tiểu học Kiến Hưng.